Sóng ở đáy sông – Bức họa chân thực về con người và thời đại

Nếu là người yêu thích văn học Việt Nam, ắt hẳn bạn đã từng biết đến tiểu thuyết Sóng ở đáy sông của nhà văn Lê Lựu. Với nhân vật chính là Núi, một thằng “đầu trộm đuôi cướp”, cuốn tiểu thuyết đã chạm đến trái tim của biết bao người đọc. Không chỉ là biến cố của cuộc đời một con người, đó còn là những biến động của thời cuộc, của xã hội.

Sai lầm của người lớn lại là nguyên nhân khiến đứa trẻ trượt dài trong tội lỗi

Nhân vật chính của tiểu thuyết chính là Núi. Dù sinh ra trong một gia đình trí thức giàu có, thế nhưng anh chưa bao giờ được cảm nhận trọn vẹn tình yêu thương của cha mẹ như bao người. Bởi vì Núi chính là kết quả của một mối quan hệ sai lầm của người cha sau những lần “không thể kìm hãm trước con ở”. 

Tiểu thuyết Sóng ở đáy sông của nhà văn Lê Lựu

Số mệnh của Núi từ khi sinh ra đã bị xếp vào hàng ngũ những đứa con “loại hai”, là con nhưng cũng là con ở. 16 tuổi, Núi mang theo ba đứa em nhỏ sơ tán về quê. Nơi thôn quê hẻo lánh, được mọi người coi là “người thành phố” những tưởng cuộc sống của anh từ đây sẽ yên bình. Thế nhưng không…

Bi kịch cuộc đời bắt đầu từ năm Núi 17 tuổi. Mẹ đột ngột qua đời, tình đầu tan vỡ cùng với sự thờ ơ của người cha đã đẩy anh vào con đường tội lỗi. Trong những ngày đi làm thuê nuôi em rồi bị nhầm thành thằng ăn cắp, bị bố từ mặt, tất cả đã khiến Núi thực sự bước chân vào con đường trộm cắp – vào tù – ra tù – lại trộm cắp. 

Vượt qua hết thảy, bên trong Núi vẫn là một tâm hồn tử tế

Mặc dù đã lún sâu trong con đường tội lỗi, thế nhưng Núi vẫn chẳng phải một thằng trộm cắp đúng nghĩa. Hắn vẫn khao khát được trở lại làm một người bình thường. Hắn vẫn mơ về một mái ấm. Thế nhưng trớ trêu, vợ hắn đã bỏ đi từ khi con còn chưa đầy tháng tuổi. 

Vẫn mong được làm một người bình thường thế nên dù trải qua những ngày tháng đầu đường xó chợ Núi vẫn cố gắng nuôi con. Những ngày tháng trong tù, hắn nhớ con da diết. Rồi hắn tự nhủ mình phải sống, phải ra tù, phải làm việc để cho con mình cuộc sống an ổn. Với khát khao le lói, rồi hắn cũng ra tù, trở thành chủ xưởng mộc với 33 nhân công ai cũng từng tù tội. Từ đây, những thăng trầm cũng dần dần lắng xuống…

Dù trượt dài trong tội lỗi nhưng Núi vẫn khao khát làm người tử tế

Ngoài khát khao sống như một người bình thường, tâm hồn tử tế trong Núi còn thể hiện ở việc nghĩa sinh thành vẫn chiến thắng anh khi là đứa con duy nhất đội khăn tang đưa cha đoạn cuối cùng. Dù nhận lấy bất công cả đời, nhưng anh vẫn trọn đạo hiếu với người sinh thành. 

Lời kết

Sóng ở đáy sông là cuốn tiểu thuyết mà bất kỳ ai yêu văn học Việt Nam thế kỷ trước cũng đều nên đọc một lần. Cuốn tiểu thuyết không chỉ tái hiện cuộc đời khốn khổ của Núi, đó còn là những thăng trầm, đổi thay của thời đại từ khi đất nước còn dưới ách đô hộ của Pháp cho đến khi độc lập, tự do. 

Con người trong Sóng ở đáy sông không phải sinh ra đã tha hóa. Họ bị hoàn cảnh xô đẩy, bị xã hội khắc nghiệt bào mòn. Những phận người như sóng, lênh đênh không biết về đâu. 

Ngoài sự khốn cùng, đâu đó trong Sóng ở đáy sông vẫn le lói hơi ấm của tình người. Đó là tình làng nghĩa xóm, lòng vị tha giữa những số phận khốn cùng với nhau. Với lời văn mộc mạc, ngắn gọn, tiểu thuyết Sóng ở đáy sông đã để lại biết bao suy tư trong lòng người đọc nhiều thế hệ. 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận