Phàm ai sống ở đời đều nên học hỏi đạo lý làm người. Khi bàn về đạo làm người, Khổng Tử có nói rằng “Đạo ta là một lẽ mà thông suốt tất cả chỉ gom vào một chữ trung thứ”. Tư tưởng trung thứ là một trong những yếu tố cốt lõi của đạo làm người.
Tư tưởng trung thứ là gì?
Khổng Tử có giải thích về chữ trung như sau: “Người nhân là người mình muốn lập thân thì cũng giúp người lập thân, mình muốn thành đạt thì cũng giúp người thành đạt” (Phù nhân giả, kỉ dục lập nhi lập nhân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân).
Về chữ thứ, ông viết: “Điều gì mình không muốn, chớ thi hành cho người khác” (Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân).
Như vậy, tư tưởng trung thứ tức là từ lòng mình suy ra lòng người, phải biết thương người, giúp người. Không chỉ vậy, Khổng Tử còn khuyên rằng tư tưởng trung thứ là nên làm cho người những cái mà mình muốn và đừng làm cho người những cái mình không muốn.
Tư tưởng trung thứ là cái gốc đạo đức của con người. Đó là đạo làm người mà cốt lõi là vừa yêu thương, vừa phải giúp đỡ lẫn nhau để tạo dựng cuộc sống cộng đồng hòa bình, hạnh phúc.
Tư tưởng trung thứ – lẽ sống nhân văn sâu sắc
Để hoàn thiện bản thân, thì con người phải học chữ “Nhân” trong đạo lý làm người. Và tư tưởng trung thứ chính là đạo “Nhân” trong quan niệm của Khổng Tử , là cốt lõi của đạo làm người. Tư tưởng trung thứ biểu hiện tính nhân văn sâu sắc, một lẽ sống, sống sao cho ra người. Đây là một trong những đạo làm người mà cốt lõi là vừa yêu thương, vừa phải giúp đỡ lẫn nhau để tạo dựng cuộc sống cộng đồng hòa bình, hạnh phúc.
Khi bàn về tư tưởng trung thứ, Khổng Tử cũng nói: “Chuẩn tắc trung thứ rất gần đạo, không trái đạo. Phàm cái gì làm cho mình mà mình không thích thì cũng đừng đem áp dụng vào người khác”. Ông muốn khuyên con người nếu muốn mình đứng vững, muốn công việc của mình thành đạt thì cũng làm cho công việc của người khác thành đạt. Con người phải hết lòng, hết dạ, thành tâm, thành ý sống theo nguyên tắc ấy thì mới tròn đạo làm người.
Con người tồn tại trong xã hội với trăm ngàn mối quan hệ đan xen lẫn nhau. Để có thể dung hòa thì cần phải khôn khéo trong cách đối xử với những người xung quanh, cư xử sao cho vừa tình hợp lý. Tư tưởng trung thứ là một lẽ sống nhân văn đã được truyền các các thời từ xa xưa đến nay, cũng đã từng được nhắc tới rất nhiều trong những bộ sách như Cổ học tinh hoa, Trí tuệ của người xưa, Đạo lý người xưa,… Con người hiện đại như chúng ta chẳng phải cũng nên học theo cốt lõi của đạo làm người là tư tưởng trung thứ để sống trọn vẹn hơn sao?